Thủ tục nhập khẩu du thuyền mới và cũ đã qua sử dụng
Tổng quan bài viết
Việc sở hữu những chiếc du thuyền đẳng cấp, sang trọng đang thu hút rất nhiều doanh nhân và đại gia Việt cũng như các công ty kinh doanh du thuyền. Nhiều chiếc du thuyền với chi phí từ vài tỉ đồng lên đến hàng triệu USD. Vấn đề ở đây gặp phải chính là thủ tục nhập khẩu du thuyền này về Việt Nam ra sao?
Du thuyền là gì?
Du thuyền là thuyền hoặc tàu cỡ nhỏ được sử dụng cho thú vui, giải trí hoặc thể thao. Thường có hai loại chính, một loại chạy bằng buồm và một loại chạy bằng động cơ. Du thuyền khác với các loại tàu bè khác chủ yếu là mục đích sử dụng phục vụ cho giải trí của nó, nhiều du thuyền được trang bị xa xỉ và dành cho những chủ nhân giàu có và do đó nó có giá khá đắt. Chỉ đến khi có tàu hơi nước và các loại tàu gắn động cơ thì thuyền buồm nhìn chung mới trở thành loại du thuyền xa hoa. Tuy nhiên, kể từ khi mức độ xa xỉ của các du thuyền lớn hơn có xu hướng tăng lên thì du thuyền được dùng để chỉ thuyền buồm đua hoặc du thuyền đi dạo biển.
Du thuyền thường có kích thước dài từ 36–40 foot (11–12 m) cho đến hàng trăm foot. Trong số hơn 15.000 du thuyền còn tồn tại vào năm 2020, hơn 7.000 chiếc dài trên 20 mét (66 ft). Một siêu du thuyền thường đề cập đến bất kỳ du thuyền nào (chèo hoặc có động cơ) dài trên 40 m (131 ft).
Thủ tục nhập khẩu du thuyền cũ đã qua sử dụng
Câu hỏi
Chúng tôi đang tiến hành nhập khẩu du thuyền, tàu biển dưới 15 năm tuổi xuất xứ Nhật Bản về để khai thác vận tải trong nước. Công ty cần chuẩn bị những giấy tờ gì liên quan để tiến hành nhập khẩu phương tiện đề cập ở trên?
Trả lời
Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (có hiệu lực đến ngày 30/06/2017) quy định:
“Điều 8. Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam
Tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam phải có tuổi tàu biển theo quy định sau đây:
a) Tàu khách không quá 10 tuổi;
b) Các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi.
2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.
3. Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được chuyển đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, nếu tại thời điểm ký hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017) quy định:
“Điều 7. Giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam
1. Tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:
a) Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: Không quá 10 năm;
b)Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: Không quá 15 năm;
c) Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu: Chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.
2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.
3. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng trong trường hợp tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam và thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đã xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam để đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài theo hình thức cho thuê tàu trần.
4. Tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam nếu tại thời điểm ký kết hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này.
Do công ty không nêu cụ thể tàu biển dưới 15 năm tuổi dự kiến nhập khẩu là tàu khách hay các loại tàu biển khác nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác tàu biển của công ty có được phép đăng ký tại Việt Nam hay không. Đề nghị công ty đối chiếu quy định tuổi tàu biển theo quy định trên để thực hiện.
Trong trường hợp đủ điều kiện đăng ký lần đầu tại Việt Nam, thủ tục hải quan nhập khẩu tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ:
“Điều 35. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển
Căn cứ quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển. Việc kiểm tra thực tế tàu biển xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Việt Nam hoặc các địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.”
Căn cứ Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm; Căn cứ Mục V Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải thì mặt hàng tàu chở hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy. Do đó, tàu chở hàng trước khi đưa vào khai thác sử dụng phải được chứng nhận hợp quy.
Đối chiếu quy định nêu trên, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải để xin xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển, chứng nhận và công bố hợp quy đối với mặt hàng nêu trên khi làm thủ tục nhập khẩu. Quá trình thực hiện có vướng mắc Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi dự định nhập khẩu để được hướng dẫn.
Loại hình nhập khẩu du thuyền tàu biển
Về loại hình nhập khẩu, công ty có thể tham khảo công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của xác định mã loại hình nhập khẩu phù hợp. Trường hợp nhập khẩu tạo tài sản cố định làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu có thể sử dụng mã loại hình A11.
Xem thêm
Thủ tục nhập khẩu du thuyền mới
1. Chính sách nhập khẩu du thuyền
Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/51/2018 của Chính phủ thì mặt hàng du thuyền mới 100% không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hay danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành.
Căn cứ Điều 35 Nghị định 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển quy định:
“Điều 35. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển:
Căn cứ quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển. Việc kiểm tra thực tế tàu biển xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Việt Nam hoặc các địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định”.
2. Kiểm tra chuyên ngành:
Mặt hàng tàu biển nhập khẩu phải thực hiện đăng kiểm. Thủ tục đăng kiểm được quy định tại Thông tư 40/2016/TT-BGTVT ngày 07/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải..
3. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Căn cứ Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 thì mặt hàng du thuyền có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 30%.
4. Về hồ sơ, thủ tục hải quan nhập khẩu du thuyền tàu biển:
Hồ sơ thủ tục nhập khẩu hàng hóa thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 và khoản 7 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018) của Bộ Tài chính.
Du thuyền và các loại tàu thuyền khác thuộc PHỤ LỤC 1-DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA NHÓM 2 BẮT BUỘC PHẢI CHỨNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ HỢP QUY ban hành theo Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và thời điểm kiểm tra trước thông quan khi nhập khẩu.
Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Xem thêm
Hoàn thuế nhập khẩu du thuyền
Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB quy định đối tượng không chịu thuế :
“3. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, khách du lịch; tàu bay sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng”.
Theo quy định tại công văn số 11623/BTC-TCHQ ngày 19/8/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Để xác định tàu bay, du thuyền NK thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB, ngoài hồ sơ NK theo qui định, cơ sở kinh doanh NK phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi mở tờ khai NK bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch (có sao y bản chính hoặc công chứng); văn bản cam kết sử dụng tàu bay du thuyền NK vào mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách và kinh doanh du lịch và cam kết nộp bổ sung cho cơ quan Hải quan các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành ngay sau khi được cấp phép”.