Nội dung và phân loại bảo hiểm hàng hoá
Tổng quan bài viết
Bảo hiểm hàng hóa là cam kết bồi thường của bên bảo hiểm cho bên được bảo hiểm về những tổn thất, hư hỏng của hàng hóa trong quá trình mua bán, vận chuyển do một rủi ro đã thỏa thuận gây ra, đồng thời, bên được bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm cho bên bảo hiểm hàng hóa. Trên thực tế, việc sử dụng bảo hiểm hàng hóa trong xuất nhập khẩu là vô cùng cần thiết. Việc này giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại về kinh tế khi xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nội dung của bảo hiểm hàng hoá
Nội dung của bảo hiểm hàng hoá gồm những gì?
Chứng từ bảo hiểm do người bảo hiểm ký phát, cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm. Nội dung trên chứng từ bảo hiểm gồm:
– Người bảo hiểm: người thu phí bảo hiểm, nhận trách nhiệm về rủi ro và phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra trong phạm vi giá trị đã thỏa thuận. Người bảo hiểm thường là các công ty bảo hiểm.
– Người được bảo hiểm: người mua bảo hiểm, trả phí bảo hiểm, người chịu tổn thất khi có rủi ro xảy ra và là người được người bảo hiểm bồi thường. Thường là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
– Đối tượng bảo hiểm: tài sản hoặc lợi ích mang ra bảo hiểm, thường là hàng hóa xuất nhập khẩu.
– Rủi ro được bảo hiểm: rủi ro đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Người bảo hiểm chỉ bồi thường những tổn thất do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra.
– Phí bảo hiểm: khoản tiền người được bảo hiểm trả cho người bảo hiểm để có quyền lợi bảo hiểm. Khoản tiền này không được truy đòi. Dù tổn thất không xảy ra, người được bảo hiểm cũng không có quyền đòi lại khoản tiền này.
– Giá trị bảo hiểm: giá trị của đối tượng được bảo hiểm, là tổng giá trị lô hàng.
– Số tiền bảo hiểm: số tiền người được bảo hiểm nhận được từ người bảo hiểm khi tổn thất xảy ra do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra. Nếu giá trị bảo hiểm lớn, phí bảo hiểm có thể vượt quá khả năng tài chính của khách hàng. Số tiền bảo hiểm có thể chỉ là một phần của giá trị bảo hiểm.
Xem thêm
Phân loại bảo hiểm hàng hoá
Phân loại bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu
Hàng hóa xuất nhập khẩu có thể được vận chuyển theo nhiều hình thức khác nhau. Tương ứng với đó cũng các loại bảo hiểm hàng hóa phù hợp gồm:
* Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đường biển
* Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đường bộ
* Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đường sắt
* Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đường hàng không
Phân loại chứng từ bảo hiểm
Trong trường hợp nhà xuất khẩu bán hàng một cách thường xuyên, thường ký hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm bao (Open policy) là hợp đồng bảo hiểm cho tất cả các lô hàng xuất khẩu tại bất kỳ thời điểm nào trong một thời hạn nhất định. Mỗi lần giao hàng, nhà xuất khẩu lập tờ khai về các chi tiết liên quan tới lô hàng và trả phí bảo hiểm.
Trên cơ sở tờ khai, công ty bảo hiểm sẽ phát hành một Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate). Hoặc công ty bảo hiểm ký xác nhận vào tờ khai và giao cho khách hàng. Ưu điểm của bảo hiểm bao là tránh được việc phải thỏa thuận lại các điều kiện về bảo hiểm đối với mỗi lần giao hàng. Ngoài ra còn tránh được việc phải phát hành một hợp đồng bảo hiểm riêng biệt cho từng chuyến hàng với chi phí rất cao.
Trong trường hợp khác, nhà xuất khẩu bán hàng không thường xuyên mà từng lần riêng biệt.
Như vậy, mỗi lần giao hàng phải thỏa thuận với công ty bảo hiểm về các điều kiện bảo hiểm cho lô hàng đó. Công ty bảo hiểm sẽ phát hành Bảo hiểm đơn (Insurance policy) cho từng lô hàng xuất khẩu. Bảo hiểm đơn có hai mặt. Mặt trước ghi những điều khoản cơ bản và thông tin về hàng hóa tham gia bảo hiểm. Mặt sau ghi đầy đủ các điều kiện và điều khoản của một hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, nếu có kiện tụng tranh chấp, tòa án chỉ căn cứ vào Bảo hiểm đơn để xét xử.
Phiếu bảo hiểm tạm thời (Cover Note) không phải là chứng từ bảo hiểm do không phải là hợp đồng hay giấy chứng nhận bảo hiểm do công ty bảo hiểm phát hành. Bản chất là tờ giấy xác nhận bảo hiểm do người môi giới bảo hiểm phát hành. Do đó, không thể dùng phiếu bảo hiểm tạm thời để khiếu nại, đòi tiền bồi thường.
Lưu ý khi sử dụng chứng từ bảo hiểm
Trong thương mại quốc tế, người mua bảo hiểm có thể khác với người thụ hưởng. Ví dụ, người xuất khẩu mua bảo hiểm, người được bảo hiểm là người nhập khẩu. Vì vậy, chứng từ bảo hiểm phải được lập với điều khoản chuyển nhượng.
Nếu tổn thất xảy ra, người xuất khẩu phải ký hậu chuyển nhượng quyền thụ hưởng cho người nhập khẩu. Khi tổn thất xảy ra, nếu không có điều khoản chuyển nhượng, người nhập khẩu không thể khiếu nại đòi bồi thường. Do đó phải nhờ người xuất khẩu đòi bồi thường. Nếu nhà xuất khẩu không thiện chí thì khả năng nhà nhập khẩu khó đòi được tiền bồi thường.
Tất cả bản gốc phải được xuất trình và phải được ký. Bên cạnh tính lưu thông, bản gốc còn có giá trị chuyển nhượng và được phát hành thành nhiều bản có giá trị như nhau. Chứng từ bảo hiểm phải được xuất trình trọn bộ và không cần phải gửi theo hàng hóa. Vì vậy, người được bảo hiểm và người được chuyển nhượng phải nắm giữ trọn bộ bản gốc nhằm tránh sự lạm dụng.
Ngoài ra, ngày hiệu lực của bảo hiểm không được muộn hơn ngày giao hàng. Nếu muộn hơn ngày giao hàng, nghĩa là hàng hóa đã không được bảo hiểm trong khoảng thời gian từ khi giao hàng tới ngày bảo hiểm có hiệu lực. Do đó các bên có quyền lợi bảo hiểm có thể từ chối bộ chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng hóa có thể được mua bảo hiểm ngay cả sau khi đã được giao, miễn là trên chứng từ bảo hiểm có hiện “hiệu lực bảo hiểm không muộn hơn ngày giao hàng”.