Tin tức

03 lưu ý thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm về Hải quan và thuế

13 Th10, 2020 Tin tức
nhập khẩu mỹ phẩm

Mỹ phẩm nhập khẩu luôn là một mặt hàng hot mọi thời đại. Bởi nhu cầu làm đẹp là vô cùng. Nhưng thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm về phân phối hoặc bán lẻ ra sao không phải ai cũng biết và nắm rõ. Đặc biệt nếu bạn không có chút am hiểu về lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế. Trong bài viết này tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đầy đủ các nội dung:

  1. Đĩnh nghĩa mỹ phẩm là gì
  2. Mã HS và thuế áp cho mặt hàng mỹ phẩm
  3. Thủ tục, quy trình nhập khẩu mỹ phẩm ra sao

Định nghĩa mỹ phẩm nhập khẩu

Mỹ phẩm là gì?

Theo điều 2, thông tư 06/2011/TT-BYT. Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng. Mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Các loại mỹ phẩm thông dụng

Các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu thông dụng bao gồm:

  • Son môi, phấn mắt, kem dưỡng da, mặt nạ, serum, bộ sản phẩm chăm sóc da…

Doanh nghiệp cần chú ý một số sản phẩm không được xem là mỹ phẩm được quy định tại Công văn số 1609/QLD-MP ngày 10/02/2012 của Cục Quản lý Dược.

Các nguồn hàng mỹ phẩm uy tín

Hiện tại trên thị trường Việt nam nói riêng có khá nhiều nguồn mỹ phẩm. Có thể kể đến mỹ phẩm Hàn quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc, Thái Lan, Nga, Đài Loan và cả Trung quốc. Nếu bạn là người tiêu dùng rất dễ bị loạn vì các mặt hàng mỹ phẩm tràn lan trên thị trường. Hãy trang bị thêm kiến thức để có thể nhận biết được đâu là sản phẩm chính hàng, đúng nguồn gốc xuất xứ

thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm hàn quốc

Mã HS và thuế nhập khẩu của mỹ phẩm

Để xác định đúng về chính sách, thủ tục nhập khẩu, đầu tiên cần xác định mã số HS của mặt hàng.

Hầu hết các mặt hàng mỹ phẩm có mã số hàng hóa thuộc tiểu mục 3304:

“Mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để trang điểm và các chế phẩm dưỡng da (trừ dược phẩm), kể cả các chế phẩm chống nắng hoặc bắt nắng; các chế phẩm dùng cho móng tay hoặc móng chân”

Tuy nhiên, cần lưu ý một số sản phẩm làm sạch trong cuộc sống hàng ngày có thể coi là mỹ phẩm nhưng khi nhập khẩu có thể được cơ quan hải quan yêu cầu áp mã thuộc tiểu mục 3401.

Xem thêm

Chi tiết các sản phẩm thuộc mục và tiểu mục 3401

Mã HS Mô tả hàng hóa Ví dụ về hàng hóa Thuế nhập khẩu ưu đãi 125/2017/NĐ-CP
33.04 Mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để trang điểm và các chế phẩm dưỡng da (trừ dược phẩm), kể cả các chế phẩm chống nắng hoặc bắt nắng; các chế phẩm dùng cho móng tay hoặc móng chân.    
3304.10.00 – Chế phẩm trang điểm môi Son môi, son dưỡng… 20
3304.20.00 – Chế phẩm trang điểm mắt Bột nhũ mặt, phấn trăng điểm mắt, phấn kẻ mắt…. 22
3304.30.00 – Chế phẩm dùng cho móng tay và móng chân nước sơn móng tay, Tinh dầu dưỡng móng, Dung dịch tẩy móng tay , …. 22
  – Loại khác:    
3304.91.00 – – Phấn, đã hoặc chưa nén Phấn phủ trang điểm, Phấn trang điểm , Phấn thơm , phấn lót trang điểm, Phấn má …. 22
3304.99 – – Loại khác:    
3304.99.20 – – – Kem ngăn ngừa mụn trứng cá Gel trị mụn, Kem chống mụn, Kem dành cho da mụn , Kem dưỡng da trị mụn trứng cá , Kem trị mụn, Kem trị mụn trứng cá …. 10
3304.99.30 – – Kem và dung dịch (lotion) bôi mặt hoặc bôi da khác Kem dưỡng da ban đêm , kem dưỡng da ban ngày , kem dưỡng da chân , kem dưỡng da chống nắng , kem dưỡng da làm săn chắc cơ thể , kem dưỡng da tay , Nước hoa hồng…. 20
3304.99.90 – – – Loại khác Bộ sản phẩm dưỡng da, nhũ tương, mặt nạ, serum…. 20
3401.30.00 – Các sản phẩm và chế phẩm hữu cơ hoạt động bề mặt dùng để làm sạch da, dạng lỏng hoặc dạng kem và đã được đóng gói để bán lẻ, có hoặc không chứa xà phòng Sữa rửa mặt, gel rửa mặt… 27

Nguyên tắc áp dụng mã HS cho mỹ phẩm

Việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo… của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, căn cứ để áp mã HS vào hàng hóa thực tế nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định hải quan.

Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan và kết quả của Cục Kiểm định hải quan xác định là cơ sở pháp lý để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.

HS tôi tư vấn kể trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Mã HS nhập khẩu mỹ phẩm

Mỹ phẩm có thuộc danh phục cấm xuất nhập khẩu?

Theo quy định hiện hành, mặt hàng mỹ phẩm không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, vì vậy, công ty có thể làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

Chính sách nhập khẩu Mỹ phẩm

Mặt hàng mỹ phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Khi nhập khẩu mỹ phẩm cần thực hiện Công bố sản phẩm mỹ phẩm

công bố sản phẩm nhập khẩu mỹ phẩm

Theo quy định của thông tư 06/2011/TT-BYT: Sản phẩm mỹ phẩm phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm lưu thông ra khi trường.

Trước khi có Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ , theo thông tư 06/2011/TT-BYT quy định:

Khi khi nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, đơn vị kinh doanh mỹ phẩm phải cung cấp cho cơ quan hải quan “số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm” và xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ đã bãi bỏ điều này. Do đó, khi nhập khẩu, người nhập khẩu có thể không phải xuất trình Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và chỉ phải đảm bảo có Số tiếp nhận phiếu công bố trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện dưới Nghị định 155/2018/NĐ-CP, trên thực tế kinh nghiệm làm thủ tục thông quan của chúng tôi, tại thời điểm hiện nay, để đảm bảo tất cả các khâu được suôn sẻ quý Đơn vị nên có số tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm khi tiến hành nhập khẩu là tốt nhất.

Hiện tại, việc Công bố mỹ phẩm được thực hiện qua mạng qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Mỗi số tiếp nhận có giá trị trong vòng 5 năm.

Quy trình xin công bố mỹ phẩm

Hồ sơ công bố được quy định chi tiết trong thông tư 06/2011/TT-BYT, bao gồm những giấy tờ sau:

  1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 02 bản (theo mẫu)
  2. Đăng ký kinh doanh: bản sao
  3. Giấy ủy quyền của nhà sản xuất: bản chính (hoặc sao) có hợp pháp hóa lãnh sự
  4. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)

Mỗi sản phẩm mỹ phẩm phải được làm một Phiếu công bố riêng, có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Nhiều trường hợp, một lô hàng khoảng 100 mục hàng, người nhập khẩu mỹ phẩm phải làm đủ 100 Phiếu công bố. Mỗi phiếu 5-7 trang giấy. Hồ sơ khá dày!

Cần lưu ý, một số trường hợp không cần phải làm công bố mỹ phẩm được quy định rõ tại Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT. Đó là khi mỹ phẩm nhập khẩu có mục đích sau:

  • để nghiên cứu, kiểm nghiệm;
  • là quà biếu, tặng;
  • để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và các trường hợp tạm nhập tái xuất khác

Những loại này phải được sử dụng đúng mục đích, chứ không được đem ra lưu thông trên thị trường.

Dịch vụ xin công bố mỹ phẩm

Có lẽ một trong những việc khó khăn nhất khi làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm là khâu công bố mỹ phẩm. Hiện có nhiều công ty chuyên cung cấp các dịch vụ này, nhất là các công ty luật. Mức phí không hề thấp: khoảng 1,5-2 triệu đồng cho một Phiếu công bố.

Tuy nhiên, với những ai chưa có kinh nghiệm thì cũng nên cân nhắc phương án sử dụng dịch vụ bên ngoài. Ít nhất là cho những lô hàng đầu tiên. Vì nếu chậm công bố, chưa làm xong thủ tục, thì phí lưu kho bãi phát sinh cũng khá nhiều. Chưa kể có thể bị phạt chậm thông quan

Quản lý rủi ro về giá mỹ phẩm nhập khẩu

Mặt hàng mỹ phẩm thuộc danh sách quản lý rủi ro về giá. Trong một số trường hợp, tờ khai sẽ được hải quan yêu cầu tham vấn

Hồ sơ hải quan và quy trình nhập khẩu mỹ phẩm

Do chính sách mặt hàng như trên, khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu mỹ phẩm, ngoài các thủ tục và giấy tờ xuất trình hải quan như với hàng hóa thông thường, người nhập khẩu cần thông báo số công bố mỹ phẩm với cơ quan hải quan. Một số trường hợp cần nộp công bố có xác nhận của công ty.

thủ tục hải quan nhập khẩu mỹ phẩm

Bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu mỹ phẩm

Bộ chứng từ nhập khẩu mỹ phẩm kinh doanh thông thường bao gồm:

a) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu

b) Hợp đồng, invoice, packing list. Theo quy định hiện hành, người nhập khẩu chỉ cần xuất trình invoice – Hóa đơn thương mại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để làm rõ, có thể xuất trình cả hợp đồng, packing list với cơ quan hải quan)

c) Vận tải đơn

d) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục quản lý dược – Bộ y tế cấp số tiếp nhận và còn liệu lực

e) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:

01 bản chính hoặc C/O điện tử trong trường hợp muốn hưởng thuế ưu đãi nhập khẩu đặc biệt

(Xem Quy định tại Khoản 5, điều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài Chính)

Quy định về nhãn mác sản phẩm mỹ phẩm

Hàng hóa nhập khẩu cần có đầy đủ nhãn mác theo quy định hiện hành với những nội dung tối thiểu: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ nhà sản xuất; Xuất xứ hàng hóa; Model, mã hàng hóa (nếu có)

Với mặt hàng mỹ phẩm Nội dung Nhãn mỹ phẩm hiện hành được quy định tại Chương V Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định việc về Quản lý Mỹ phẩm và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa. Thông thường, với mỹ phẩm, sau khi thông quan nhập khẩu hàng hóa, thương nhân cần bổ sung nhãn phụ để đảm bảo các nội dung trên nhãn đầy đủ so với quy định trước khi đưa hàng hóa ra thị trường.

thuế nhập khẩu mỹ phẩm

Các loại thuế khi nhập khẩu Mỹ phẩm

Khi nhập khẩu mỹ phẩm, người nhập khẩu cần nộp thuế nhập khẩu và thuế VAT:

Thuế VAT của mỹ phẩm là 10%

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mỹ phẩm hiện hành là dao động từ 10% đến 27%.

Trong trường hợp mỹ phẩm được nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có thể sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Chi phí vận chuyển và thời gian nhập khẩu Mỹ phẩm

Chi phí vận chuyển và thời gian nhập khẩu có quan hệ mật thiết với nhau. Tùy tính chất hàng hóa và mức độ yêu cầu thì hàng hóa nhập khẩu quốc tế có thể vận chuyển theo đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường chuyển phát nhanh. Mỗi lô hàng cần xem xét cụ thể để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Để được tư vấn chi tiết về HS, thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu và dự toán chi phí vận chuyển quốc tế, hãy liên hệ cho tôi để được trợ giúp

Đôi điều về tôi

Tôi là Công Hoàng, admin của Cường Phát Logistics. Tôi từng làm tại các vị trí nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên sale logistics, tôi có am hiểu nhất định về thương mại quốc tế, các nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Hi vọng có thể chia sẻ những kiến thức hữu ích tới các bạn